Đi làm thuê, về làm chủ
Tại một tọa đàm về nâng cao chất lượng hoạt động đưa người Việt đi làm việc ở nước ngoài được tổ chức gần đây, bà Ngô Thị Út Luân, Tổng Giám đốc Công ty CP K-Beauty Worldwide Việt Nam, chia sẻ bản thân bà từng là công nhân đi lao động tại Hàn Quốc.
Bà Ngô Thị Út Luân, Tổng Giám đốc Công ty CP K-Beauty Worldwide Việt Nam
Trong quá trình đi làm thuê ở nước ngoài, bà Luân cũng như bao lao động Việt khác, mơ ước có đồng lương ổn định để lo cho gia đình và hơn hết là để "đổi đời".
Thế nhưng, vì là lao động nước ngoài, bà Luân phải hứng chịu nhiều áp lực, thái độ thiếu tôn trọng từ người chủ. Thấy vậy, nhiều người khuyên chị nghỉ việc, nhưng lòng tự tôn dân tộc lại khiến chị kiên cường hơn.
"Bỏ cuộc thì xem như tay không về nước, rồi lại cứ nghèo mãi và tiếp tục bị người khác xem thường. Tôi chợt thức tỉnh, nhận ra mình không đơn thuần qua đây để kiếm tiền, mà là để thay đổi số phận. Để làm được, trước hết tôi phải thay đổi chính bản thân mình", chị bộc bạch.
Kể từ đó, bà Luân nỗ lực gấp trăm lần. Không thành thạo tiếng Hàn, bà cố tìm cách giao tiếp với đồng nghiệp, cấp trên nhiều hơn để luyện tập.
Bà đi theo giám đốc để học hỏi, tự mình làm mọi khâu, mọi việc. "Người đàn bà thép" sau này còn làm thông dịch viên cho cấp trên ở những dự án kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc và TPHCM.
Nhờ nỗ lực ấy, Út Luân được trao cơ hội "thoát" nhà xưởng, làm nhân viên văn phòng tại nơi mình từng làm công nhân. Từ đó, bà có thu nhập cao hơn, mở rộng được mối quan hệ và tích cóp được số tiền bạc tỷ.
Có tiền đề thuận lợi nhất định nhưng ngẫm không đâu bằng quê nhà, bà quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp. Đến nay, bà đã là chủ của 3 công ty với doanh thu hơn 30 tỷ đồng/năm.
Trước câu chuyện của bà Út Luân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan kỳ vọng sẽ có thêm nhiều lao động tương tự hồi hương, đi làm ở nước ngoài rồi trở về gây dựng sự nghiệp, thành công hơn nữa tại quê nhà.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan
"Đội ngũ người Việt có trình độ về kỹ năng, tay nghề, ý thức chấp hành kỷ luật, được đào tạo về cách giao tiếp, hiểu biết văn hóa… khi hồi hương sẽ góp phần tích cực xây dựng đất nước phát triển. Lao động ra nước ngoài không chỉ đơn thuần kiếm việc làm, mà là trau dồi kiến thức, kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm, phát triển bản thân để khi trở về thành nguồn nhân lực quan trọng cho hoạt động của các doanh nghiệp nước nhà", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tạo mọi điều kiện để lao động "đổi đời"
Để lao động Việt thuận lợi trở về cống hiến cho đất nước sau thời gian làm việc ở nước ngoài, bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn quốc tế Sài Gòn (Saigon Intergco), cho rằng đào tạo về tư duy, định hướng sự nghiệp ban đầu là rất quan trọng.
"Điều khiến chúng tôi trăn trở nhiều năm qua chính là tỉ lệ lao động hồi hương khá thấp. Rất nhiều lao động sang nước ngoài, có thu nhập cao, hưởng các chế độ phúc lợi tốt thì tìm cách ở lại, mua nhà, mua xe và định cư, coi đó là đích đến", bà Cúc nói.
Bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn quốc tế Sài Gòn
Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng Giám đốc Esuhai Group, cho rằng lao động ra nước ngoài làm việc có 2 nhóm.
"Nhóm thứ nhất là những người có nguyện vọng làm việc ngắn hạn, chủ yếu đi để có thu nhập, thường có hạn chế trong việc học tập trước khi đi. Nhóm thứ hai là những người thật sự mong muốn đi để học hỏi, phát triển bản thân, sự nghiệp. Thực tế, số lượng những lao động diện này vẫn chưa nhiều", ông Lanh nhận định.
Theo Phó Tổng Giám đốc Esuhai Group, hoạt động tuyên truyền cho người lao động hiểu mục đích sang nước ngoài làm việc là rất quan trọng.
"Nhận thức chung trong xã hội cần phải là đi nước ngoài làm việc không phải để xóa đói giảm nghèo mà để nâng cao giá trị bản thân, trở thành trụ cột vững chắc, lâu dài cho gia đình và có ích cho đất nước", ông Lanh nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng Giám đốc Esuhai Group
Ông Lanh tán thành với ý kiến, các doanh nghiệp đưa lao động đi cần định hướng rõ ràng là không chỉ đơn thuần đi "kiếm cơm" mà quan trọng hơn là thông qua hoạt động này để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Lanh nhận định, nhà nước và doanh nghiệp cũng cần tạo mọi điều kiện để người lao động nhanh chóng "đổi đời". Ông đề xuất chính sách cho người lao động vay vốn để đi nước ngoài; tập trung đào tạo học viên thật giỏi về ngôn ngữ, văn hóa, tác phong, nề nếp và tư duy định hướng sự nghiệp.
Ban biên tập website
TT TS & TT
Theo Báo Dân trí
Xem thêm :
- Tuyển sinh Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Trường Đại học Công Thương TP.HCM: Cơ hội nâng cao trình độ học vấn và nghiên cứu khoa học Mới
- Trường Đại học Công Thương TP. HCM dự kiến mở ngành Du lịch và ngành Luật
- Chương trình liên kết quốc tế: Lựa chọn tối ưu để lấy bằng đại học nước ngoài
- 3 ngành dự đoán thiếu nhân lực trong năm 2025
- Lao động trẻ Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản