Sự kết hợp giữa công nghệ thực phẩm và quản trị kinh doanh tạo nên những nhà quản trị thực phẩm toàn diện, am hiểu sản phẩm và có tư duy kinh doanh nhạy bén. Trong bối cảnh chất lượng, nguồn gốc và xu hướng tiêu dùng bền vững ngày càng được coi trọng, ngành này mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, từ quản lý sản xuất, điều hành doanh nghiệp đến nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Đây là lựa chọn lý tưởng cho những ai đam mê cả thực phẩm và kinh doanh.
Điểm đặc sắc của ngành Quản trị kinh doanh thực phẩm
Điểm đặc biệt của ngành Quản trị Kinh doanh Thực phẩm chính là tính liên ngành và tính ứng dụng cao. Không giống như các ngành quản trị thông thường chỉ tập trung vào điều hành doanh nghiệp, ngành học này trang bị cho sinh viên cả kiến thức quản lý lẫn chuyên môn về thực phẩm. Người học được đào tạo để vừa hiểu cách sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, vừa nắm rõ cách đưa sản phẩm ra thị trường một cách hiệu quả, phù hợp với hành vi tiêu dùng hiện đại.
Tiết học thực hành sản xuất của Khoa Công nghệ thực phẩm
Học gì trong ngành này?
Về nội dung đào tạo, chương trình học bao gồm hai mảng chính: “quản trị” và “thực phẩm”. Ở phần quản trị, sinh viên sẽ học cách điều hành doanh nghiệp, xây dựng chiến lược marketing thực phẩm, quản lý nhân sự – tài chính, phát triển thương hiệu, quản trị chuỗi cung ứng và logistics ngành hàng thực phẩm, cũng như các kỹ năng khởi nghiệp và lập kế hoạch kinh doanh. Trong khi đó, phần kiến thức về thực phẩm sẽ bao gồm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, công nghệ chế biến – đóng gói – bảo quản, luật thực phẩm và các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO, cùng với việc nắm bắt các xu hướng tiêu dùng như thực phẩm hữu cơ, ăn sạch – sống xanh, sản phẩm tiện lợi, bền vững. Nói cách khác, sinh viên được chuẩn bị để vừa hiểu khách hàng, vừa thấu rõ sản phẩm – một lợi thế rất lớn trong ngành thực phẩm đầy cạnh tranh.
Hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế với trang thiết bị hiện đại
Nguyễn Hoài An – sinh viên năm 3 ngành Quản trị Kinh doanh Thực phẩm chia sẻ: “Ban đầu mình rất phân vân giữa Công nghệ Thực phẩm và Kinh doanh quốc tế, nhưng sau khi tìm hiểu thì thấy ngành Quản trị Kinh doanh Thực phẩm có thể kết hợp được cả hai. Học ngành này, mình hiểu rõ cách một sản phẩm thực phẩm được tạo ra và làm thế nào để đưa nó ra thị trường, chạm tới người tiêu dùng. Mình từng thực tập ở một công ty bánh kẹo lớn và được tham gia cả khâu phát triển sản phẩm lẫn chiến dịch quảng bá – đó là trải nghiệm thực sự thú vị.”
Cơ hội việc làm cụ thể sau khi ra trường
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh Thực phẩm có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tại các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, họ có thể đảm nhiệm các vị trí như chuyên viên điều hành sản xuất, giám sát bán hàng, quản lý chất lượng (QA/QC), hoặc chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới (R&D). Ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm hay công ty phân phối, sinh viên có thể làm marketing sản phẩm, quản lý nhãn hiệu, phụ trách mua hàng hoặc vận hành chuỗi cung ứng. Ngoài ra, những ai đam mê lĩnh vực xuất nhập khẩu hoặc logistics thực phẩm cũng có thể làm điều phối viên, chuyên viên kinh doanh quốc tế, hoặc tư vấn chuỗi cung ứng thực phẩm xuyên biên giới. Đặc biệt, ngành học này mở ra cánh cửa khởi nghiệp rất rộng: từ việc mở quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch đến phát triển thương hiệu đồ ăn nhanh, thực phẩm tiện lợi hoặc các sản phẩm đặc sản địa phương theo chương trình OCOP.
Bạn Trần Bảo Long – cựu sinh viên khóa đầu ngành này – hiện là nhân viên vận hành tại một chuỗi thực phẩm sạch, chia sẻ: “Kiến thức về chuỗi cung ứng và kiểm soát chất lượng mình học được ở trường giúp mình tự tin khi làm việc thực tế. Ngành thực phẩm thay đổi nhanh, người học phải linh hoạt, cập nhật và nhạy bén với thị trường – và chính ngành học này đã rèn luyện mình điều đó. Mình đang ấp ủ dự định mở một thương hiệu thực phẩm đóng gói lành mạnh, vì mình tin đây là thị trường còn rất tiềm năng.”
Dự án “Nui gạo ăn liền Prebiotic” của Khoa Công nghệ thực phẩm giành giải Nhì chung cuộc lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội
Có thể nói, trong bối cảnh thực phẩm luôn là lĩnh vực thiết yếu, ngành Quản trị Kinh doanh Thực phẩm không chỉ là một ngành học “hiện đại và thực tế” mà còn là hành trình đầy triển vọng giúp người học kiến tạo sự nghiệp bền vững. Với nền tảng kiến thức toàn diện và kỹ năng thực chiến, sinh viên ngành này hoàn toàn có thể tự tin khởi đầu vững vàng và từng bước vươn xa trên bản đồ ngành thực phẩm triệu đô.
Ban biên tập website HUIT
TT TS & TT
Xem thêm :
- Bộ GD-ĐT chính thức công bố quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng giáo dục mầm non 2025
- Nhiều học bổng hấp dẫn tại Trường Đại học Công Thương TPHCM: Cơ hội vàng cho sinh viên và học sinh
- Trung tâm thí nghiệm thực hành – Khoa Công nghệ hóa học HUIT
- Chương trình Tư vấn tuyển sinh tại Trường THPT Kế Sách, Sóc Trăng
- Ngày hội Tư vấn Hướng nghiệp – Tuyển sinh 2025 tại Trà Vinh