Công nghệ Vật liệu – Những người "kiến tạo vô hình" cho thế giới hữu hình

 

Khi bạn cầm trên tay một chiếc điện thoại mỏng nhẹ, dùng một chiếc ly thủy tinh trong suốt hay bước đi trên nền gạch mát lạnh dưới chân – bạn đang chạm vào thành quả của một ngành học tưởng chừng lặng lẽ, nhưng lại hiện diện trong từng ngóc ngách cuộc sống chính là ngành Công nghệ Vật liệu.

Không ồn ào như công nghệ thông tin, không sôi động như truyền thông số, ngành Công nghệ Vật liệu giống như một nhạc nền vững chãi, đóng vai trò kiến tạo cho mọi ngành công nghiệp – từ sản xuất, xây dựng đến y tế, hàng không và năng lượng tái tạo. Đây là nơi những ý tưởng trở thành hiện thực, nơi khoa học và ứng dụng gặp nhau để tạo nên những vật chất mới thông minh hơn, bền hơn, đẹp hơn và thân thiện hơn với môi trường.

Công nghệ Vật liệu là ngành nghiên cứu bản chất và cách vận hành của vật chất, từ cấp độ nguyên tử cho đến thành phẩm cuối cùng. Sinh viên không chỉ học về cấu trúc, tính chất và thành phần vật liệu mà còn học cách cải tiến và làm chủ nó. Từ nhựa, cao su, bao bì, đến gốm sứ, thủy tinh, composite... tất cả đều có thể được biến hóa bằng công nghệ, trở thành những sản phẩm ưu việt hơn, bền vững hơn.

Hình ảnh các bạn sinh viên đang học thực hành ngành công nghệ vật liệu tại phòng thí nghiệm

Trong phòng thí nghiệm nơi được ví như “xưởng sáng tạo” của ngành, sinh viên được trực tiếp thiết kế khuôn mẫu nhựa, phối màu sơn, nung gốm, đo đạc tính chất vật liệu, làm quen với máy ép nhiệt, kính hiển vi điện tử, máy phân tích nhiệt vi sai… Không chỉ học để biết, mà còn học để tạo ra.

Hình ảnh các bạn học sinh trải nghiệm tham quan phòng thí nghiệm thực hành của ngành công nghệ vật liệu

Bạn Nguyễn Thị Mai Phương, sinh viên năm 3 ngành Công nghệ Vật liệu chia sẻ: “Lúc mới vào, mình cứ nghĩ học ngành này chắc khô khan lắm, nhưng càng học càng mê. Bọn mình không chỉ học hóa – lý khô cứng mà còn được làm ra sản phẩm thật. Mình từng làm bài tiểu luận về nhựa phân hủy sinh học và đã thử phối trộn mẫu tại phòng thí nghiệm cảm giác được tạo ra thứ gì đó bằng chính tay mình, dù nhỏ thôi, cũng khiến mình rất tự hào”.

Ngành học này đặc biệt phù hợp với những ai yêu thích khám phá, có óc phân tích và đam mê ứng dụng khoa học vào đời sống. Nhiều bạn sinh viên cho biết họ tìm thấy trong ngành không chỉ kiến thức mà còn là niềm vui sáng tạo.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành sản xuất vật liệu trong nước, cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ Vật liệu ngày càng rộng mở. Các bạn có thể làm việc tại các nhà máy sản xuất nhựa, cao su, bao bì, sơn, vật liệu xây dựng; tại các trung tâm nghiên cứu và phát triển vật liệu mới; hoặc trong các phòng thí nghiệm kiểm định chất lượng. Ngoài ra, người học còn có thể theo đuổi con đường học thuật, nghiên cứu chuyên sâu hoặc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học. HUIT còn hợp tác với nhiều tập đoàn lớn như: nhà máy Lix tại Bình Dương, công ty cổ phần Thương mại và sản xuất Tôn Tân Phước Khánh, Vinamilk, Ajinomoto, LG Vina, Công ty TNHH EMERGENT COLD việt nam…, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập hưởng lương từ năm ba và thực hiện đồ án tốt nghiệp theo các dự án thực tế. Nhờ đó, sinh viên có thể tích lũy kinh nghiệm và làm quen

Mức lương tối thiểu của ngành công nghệ vật liệu là khoảng 10 - 13tr cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học và khoảng 2 năm sau là đạt khoảng 15 tr - 18tr.với môi trường công nghiệp ngay trong quá trình học.

Hình ảnh các bạn sinh viên tham quan kiến tập tại Công ty TNHH EMERGENT COLD việt nam

Công nghệ Vật liệu không phải là một ngành học “thời thượng”, nhưng lại là một ngành học bền vững và có chiều sâu nơi mỗi sản phẩm bạn tạo ra đều có thể góp phần định hình tương lai. Với những ai yêu thích khoa học ứng dụng, thích “làm ra cái gì đó bằng chính tay mình” và muốn trở thành một phần của quá trình phát triển công nghiệp xanh, đây chính là cánh cửa để bạn bước vào hành trình ấy.

Bởi đôi khi, những thay đổi lớn lao lại bắt đầu từ những thứ nhỏ bé mà mắt thường không nhìn thấy. Và Công nghệ Vật liệu chính là nơi tạo nên những điều “vô hình” mang giá trị “hữu hình” nhất cho cuộc sống.

 

Ban biên tập website HUIT

TT TS & TT