Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 có nhiều điểm mới, như học sinh phải chọn các tổ hợp môn học từ lớp 10, các môn thi tốt nghiệp có thêm tin học, công nghệ... Do đó, công tác hướng nghiệp cũng như công tác tư vấn tuyển sinh của các trường đại học cũng có sự thay đổi để kịp thời hỗ trợ thí sinh.
ThS. Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM: Nên tích hợp công tác hướng nghiệp vào chương trình phổ thông
Công tác hướng nghiệp không nên là một hoạt động riêng lẻ mà cần được tích hợp vào các môn học chính khóa, đặc biệt là những môn như Giáo dục công dân, Kỹ năng sống và các môn học tự chọn. Như vậy, học sinh sẽ được tiếp cận thông tin về nghề nghiệp ngay trong quá trình học tập, giúp học sinh lớp 10, lớp 11 có cái nhìn toàn diện hơn về các ngành nghề.
Cùng với đó, công tác hướng nghiệp nên đẩy mạnh từ sớm, bắt đầu từ các lớp cấp 2 với các hoạt động khám phá năng lực, sở thích và khả năng của học sinh chứ không chỉ tập trung vào lớp 12. Điều này giúp học sinh có thời gian suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về hướng đi của mình.
Chương trình GDPT mới khuyến khích sự phát triển toàn diện, do đó công tác hướng nghiệp cần tập trung vào việc phát triển các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng “mềm”.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Mở rộng đối tượng tham gia tư vấn hướng nghiệp
Năm học 2024-2025, công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là năm đầu tiên học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Những thay đổi về quy chế thi tốt nghiệp THPT, phương thức xét tuyển của các trường ĐH có tác động rất lớn đến định hướng lựa chọn môn học của học sinh.
Ngoài ra, Chương trình GDPT 2018 có điểm mới so với chương trình trước đây, đó là hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp được triển khai từ năm lớp 10, sau đó tiếp tục mở rộng nội dung kiến thức ở lớp 11 và lớp 12. Trong khi đó, hầu hết chương trình tư vấn hướng nghiệp hiện nay chỉ dành cho học sinh lớp 12.
Tôi cho rằng cần mở rộng đối tượng tham gia tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh có lựa chọn môn học phù hợp từ năm lớp 10, từ đó có lộ trình học tập ổn định trong 3 năm học THPT, hạn chế tối đa tình trạng chuyển đổi môn học sau năm lớp 10 hoặc lớp 11.
TS. Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT): Vừa cung cấp kiến thức phổ thông vừa muốn hướng nghiệp chọn ĐH là quá tham vọng
Công tác giáo dục hướng nghiệp trên thế giới đã thay đổi nhiều trong 2 thập niên qua, nhưng Việt Nam chưa có sự thay đổi nhiều. Người ta giáo dục hướng nghiệp ở THPT là đã dạy cho học sinh những kỹ năng nghề và được công nhận trên thị trường lao động.
Nhưng ở ta thì chương trình thiết kế thiếu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp của ngành nghề, trang thiết bị không có, trường nghề thì tách ra khỏi hệ thống các trường THPT ở địa phương.
Với Chương trình GDPT 2018, người ta nói có tính hướng nghiệp, nhưng thực chất lại là “phân ban” và “hướng thi” để xét vào định hướng khoa học tự nhiên và khoa học xã hội… Hàng ngàn ngành học khác nhau ở bậc giáo dục ĐH, làm sao mà chương trình phổ thông mới có tham vọng hướng nghiệp?
Đó chỉ là “hướng luồng” để chọn môn thi và xét tuyển sao cho dễ có cơ hội vào học ĐH… Vì thế, mục tiêu kép vừa cung cấp kiến thức phổ thông nền tảng vừa muốn hướng nghiệp chọn học ĐH trong Chương trình GDPT 2018 là quá tham vọng, thiếu thực tế. Hậu quả của hình thức “hướng nghiệp” mà thực chất là “hướng thi” đã làm cho mục tiêu GDPT bị lệch lạc do học lệch, dạy lệch. Dạy học không phải vì sự học mà dạy học chỉ để cho “thi” rất cần được điều chỉnh ngay trong kỳ thi năm 2025.
Học sinh tìm hiểu ngành nghề tại Trường Đại học Công Thương TP.HCM
Sớm đẩy mạnh hướng nghiệp
Theo nhiều chuyên gia, với những thay đổi của chương trình GDPT mới, công tác tư vấn hướng nghiệp ở các trường THPT cần thực hiện càng sớm càng tốt, bắt đầu từ khi các em học sinh chuẩn bị vào lớp 10. Điều này giúp các em định hướng ngành nghề từ sớm để có thể quyết định lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp năng lực của mình. Ngoài ra, cần thực hiện các chương trình hoạt động hướng nghiệp chuyên sâu cho học sinh, ứng dụng công nghệ số trong tư vấn, tăng cường các chương trình tư vấn trực tuyến của các đơn vị trường ĐH, đơn vị chuyên môn, đơn vị truyền thông uy tín với đội ngũ chuyên gia có sự am hiểu và chuyên môn cao về ngành nghề... nhằm tư vấn, định hướng nghề nghiệp sát với từng học sinh. Điều quan trọng là các trường THPT phải giúp học sinh tham quan trải nghiệm thực tế nghề nghiệp, trải nghiệm công tác đào tạo ngành nghề tại các trường ĐH. Nhìn thực tế ở công tác quản lý, một chuyên gia, cho biết, với đặc thù một quận ở trung tâm thành phố, công tác phân luồng học sinh gặp nhiều khó khăn do đa phần phụ huynh muốn con em phải vào ĐH hoặc cao đẳng. Nhiều phụ huynh cho rằng độ tuổi sau THCS, thậm chí sau tốt nghiệp THPT, là lứa tuổi chưa trưởng thành, chưa muốn con em đi học nghề.
Một số khác lại quan niệm các trường nghề hiện nay có giáo trình đào tạo lạc hậu, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, học sinh học nghề sau khi ra trường khó tìm được việc làm nên “bằng mọi giá” phải vào đại học để có cơ hội việc làm tốt hơn. Do đó, để thực hiện hiệu quả chính sách phân luồng học sinh, công tác tư vấn hướng nghiệp phải được kết hợp từ nhiều phía, gồm nhà trường, gia đình, xã hội, doanh nghiệp, chính quyền và đoàn thể.
Các cơ sở giáo dục cần thường xuyên tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trước, trong và sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập, qua đó giúp học sinh sớm nhận thức về ngành nghề để xác định phương hướng và lộ trình học tập từ cuối cấp THCS.
Nâng chất công tác hướng nghiệp
Học sinh lớp 12 đặt câu hỏi trong chương trình tư vấn tuyển sinh tại ngày Hội Open day của Trường Đại học Công Thương TP. HCM
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính theo tỷ lệ dân số, số sinh viên ĐH theo học các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) của Việt Nam chỉ đạt khoảng 55 sinh viên/10.000 dân, thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và châu Âu. Tỷ lệ sinh viên theo học các lĩnh vực STEM tính trên tổng số sinh viên ĐH của Việt Nam những năm gần đây dao động trong khoảng từ 27%-30%. Riêng đối với các ngành khoa học tự nhiên và toán, tỷ lệ sinh viên theo học ở Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 1,5%, bằng 1/3 so với Phần Lan, 1/4 so với Hàn Quốc, 1/5 so với Singapore và Đức. Trong khi đó, quy mô đào tạo các các ngành khối kinh tế lại rất lớn.
Nhận định về thực trạng này, một chuyên gia cho rằng, xu thế học sinh chọn ngành của nước ta hiện nay rất giống với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực cách đây nhiều năm. Điều này cũng phản ánh quy luật cung - cầu, xã hội có nhu cầu thì người học cứ theo học.
Tuy nhiên, điều mà thí sinh không để ý là liệu ngành mình chọn ở thời điểm này đang rất “nóng” nhưng lúc ra trường, khoảng 4-5 năm sau, nhu cầu của ngành đó có còn cao hay sẽ bão hòa? Đây không phải lỗi ở thí sinh mà là lỗi của ngành giáo dục, do công tác hướng nghiệp bị bỏ trống hoặc có thực hiện cũng chỉ qua loa. Tuy nhiên, trên thực tế, để làm tốt công tác hướng nghiệp không phải là chuyện một sớm một chiều.
Theo đại diện nhiều trường ĐH, để công tác hướng nghiệp thật sự có chất lượng và đúng nghĩa, cần sự phối hợp giữa giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH và cả giáo dục nghề nghiệp. Công tác hướng nghiệp cần thực hiện bài bản, phải có chuyên gia am hiểu, thiết kế chương trình hướng nghiệp khoa học thì mới có thể hướng nghiệp và phân luồng học sinh được phù hợp, hiệu quả.
TT TS&TT
Theo sggp.org.vn
Xem thêm :
- Tuyển sinh 2025: Trường Đại học Công Thương TP.HCM dự kiến có thêm tổ hợp xét tuyển khối C
- Tra cứu kết quả trúng tuyển năm 2024
- Hướng dẫn thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2024
- Điểm chuẩn phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT của Trường Đại học Công Thương TP.HCM năm 2024
- Khảo sát về hoạt động tuyển sinh và truyền thông của Trường Đại học Công Thương TP. HCM năm 2024