Học phần Kiến tập là một môn học thuộc Chương trình đào tạo nhóm ngành Môi trường của Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là môn học có ý nghĩa thiết thực, giúp sinh viên tiếp cận thực tế ngành nghề, rèn luyện kỹ năng quan sát và phân tích môi trường sống từ những trải nghiệm thực tế. Năm nay, khoảng 110 sinh viên khóa 13ĐH nhóm ngành Môi trường đã tham gia hành trình kiến tập 4 ngày từ 14 – 17/07/2025 tại các điểm là Thành phố Hồ Chí Minh và Lâm Đồng. Chuyến đi được tổ chức bài bản với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía giảng viên và nhà trường, nhằm đảm bảo yếu tố an toàn, bổ ích và hiệu quả cho sinh viên.
Tập thể sinh viên K13 ngành Môi trường xuất phát tại trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
Khám phá Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu và chinh phục ngọn Hải Đăng Ba Kiềm
Sinh viên bắt đầu hành trình kiến tập bằng chuyến đi đến Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, nơi được ví như “lá phổi xanh” của khu vực Đông Nam Bộ. Tại đây, các bạn được cán bộ Khu bảo tồn hướng dẫn tham quan và tìm hiểu về đa dạng sinh học rừng tự nhiên ven biển, các hệ sinh thái đặc trưng, cũng như những tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên rừng và môi trường sống của các loài sinh vật. Sinh viên tham gia lấy mẫu đất, nước, khí, sinh vật để tìm hiểu sâu hơn về đặc điểm sinh thái rừng tại đây.
Sinh viên nghe cán bộ hướng dẫn tại Bình Châu - Phước Bửu
Sinh viên tham quan tìm hiểu hệ sinh thái rừng tại Bình Châu - Phước Bửu
Sinh viên tiến hành lấy mẫu đất tại Bình Châu - Phước Bửu
Tập thể sinh viên 13ĐHQLMT (ngành quản lý tài nguyên và môi trường)
Tập thể sinh viên 13ĐHMT (ngành công nghệ kỹ thuật môi trường)
Sau buổi làm việc chuyên môn tại khu bảo tồn, đoàn tiếp tục di chuyển đến ngọn hải đăng Ba Kiềm nằm trên đỉnh núi Hồ Linh, một công trình mang giá trị lịch sử và là điểm quan sát lý tưởng để sinh viên mở rộng hiểu biết về địa hình ven biển, hoạt động giao thông hàng hải, cũng như mối liên hệ giữa phát triển du lịch và công tác bảo vệ môi trường biển.
Sinh viên trên đỉnh ngọn Hải Đăng
Tìm hiểu tác động xói lở bờ biển, quản lý khu vực vùng bờ
Tiếp nối hành trình kiến tập, đoàn sinh viên đã có dịp ghé thăm Làng chài Tiến Đức, một cộng đồng ngư dân truyền thống ven biển với nếp sống gắn liền với biển cả. Tại đây, sinh viên không chỉ quan sát hoạt động đánh bắt và chế biến hải sản diễn ra hằng ngày, mà còn được giao lưu, trò chuyện với người dân địa phương để hiểu rõ hơn về những thay đổi trong sinh kế và môi trường sống do biến đổi khí hậu và ô nhiễm biển gây ra.
Sinh viên tiến hành thu gom chất thải nhựa
Giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hiện quan trắc môi trường.
Khảo sát công nghệ xử lý nước cấp và công nghệ xử lý nước thải tập trung
Tại Phan Thiết, đoàn sinh viên đã đến tham quan hệ thống xử lý nước cấp Tp. Phan Thiết – một công trình hạ tầng quan trọng cung cấp nước sạch cho thành phố và các vùng lân cận. Tại đây, sinh viên được giới thiệu chi tiết về quy trình xử lý nước từ nguồn đến khi phân phối, bao gồm các công đoạn lắng, lọc, khử trùng và kiểm tra chất lượng nước theo quy chuẩn kỹ thuật.
Hoạt động tìm hiểu hệ thống xử lý nước cấp tại Phan Thiết
Đoàn sinh viên tham quan hệ thống xử lý nước cấp tại Phan Thiết
Không dừng lại ở đó, đoàn sinh viên cũng đã có cơ hội tìm hiểu Nhà máy xử lý nước thải tập trung Đà Lạt, nơi đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ môi trường nước cho thành phố ngàn hoa. Tại đây, sinh viên được các kỹ sư môi trường trực tiếp hướng dẫn, giới thiệu về quy trình thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải đô thị, từ giai đoạn tiền xử lý đến xử lý sinh học và xử lý bùn thải.
Cán bộ hướng dẫn sinh viên tham quan nhà máy xử lý nước thải tập trung Đà Lạt
Thông qua buổi tham quan, sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tiễn với các công nghệ xử lý hiện đại đang được áp dụng, hiểu rõ hơn về vai trò của hệ thống xử lý nước thải trong việc kiểm soát ô nhiễm, và đặc biệt là tầm quan trọng của ý thức cộng đồng trong bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái đô thị.
Chụp hình lưu niệm tại nhà máy xử lý nước thải tập trung Đà Lạt
Tìm hiểu công tác quản lý chất thải phóng xạ
Một điểm đến đặc biệt trong hành trình kiến tập của sinh viên chính là Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt – trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện đang vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu. Tại đây, sinh viên được giới thiệu về ứng dụng của năng lượng hạt nhân trong các lĩnh vực đời sống, đặc biệt là trong phân tích môi trường, xử lý ô nhiễm và phát hiện các nguyên tố vi lượng trong mẫu đất, nước, không khí.
Đoàn lắng nghe học tập tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt
Buổi tham quan không chỉ giúp sinh viên mở rộng hiểu biết về khoa học vật lý hạt nhân ứng dụng, mà còn tạo điều kiện để nhận thức rõ hơn về tiềm năng của công nghệ cao trong lĩnh vực môi trường. Qua đó, sinh viên được khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu và khát vọng đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tập thể đoàn kiến tập tại Viện hạt nhân Đà Lạt
Kết hợp học tập và trải nghiệm văn hóa
Không chỉ gói gọn trong các hoạt động chuyên môn, chuyến kiến tập còn đưa sinh viên đến tham quan Trường Dục Thanh, nông trại Puppy Farm và tham gia nhiều hoạt động tập thể. Những trải nghiệm này đã góp phần bồi dưỡng kỹ năng mềm, khơi gợi sự quan tâm đến văn hóa – lịch sử địa phương và tăng cường tinh thần tập thể.
Trường Dục Thanh – một di tích lịch sử đặc biệt gắn liền với thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Tại đây, sinh viên không chỉ được tìm hiểu về quá trình hình thành và hoạt động của ngôi trường cổ hơn một thế kỷ, mà còn lắng nghe những câu chuyện cảm động về lòng yêu nước, ý chí vượt khó và khát vọng cống hiến của thế hệ thanh niên xưa.
Sinh viên tham quan Khu di tích Dục Thanh
Cô và trò dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Dục Thanh
Đoàn được lắng nghe về lịch sử ngôi trường Dục Thanh
Tham gia hoạt động thể thao
Khép lại một hành trình, mở ra nhiều cơ hội
Chuyến kiến tập chuyên ngành kéo dài 4 ngày không chỉ mang đến cho sinh viên những trải nghiệm thực tiễn quý báu, mà còn giúp các em kết nối sâu sắc giữa kiến thức lý thuyết và thực tế môi trường sống. Từ rừng nguyên sinh, làng chài ven biển, đến các nhà máy xử lý nước và cơ sở nghiên cứu hiện đại – mỗi điểm đến là một bài học, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về vai trò của ngành Môi trường trong phát triển bền vững.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, chuyến đi còn là dịp để sinh viên rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quan sát – ghi chép và kỹ năng thích nghi, đồng thời vun đắp thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong lớp cũng như với thầy cô hướng dẫn.
Tạm chia tay Đà Lạt, đoàn sinh viên trở lại Thành phố Hồ Chí Minh
Hành trình đã khép lại, nhưng những giá trị, bài học và cảm xúc đọng lại sẽ là hành trang quan trọng, tiếp thêm động lực để sinh viên tiếp tục nỗ lực trên con đường học tập và trở thành những kỹ sư môi trường đầy trách nhiệm trong tương lai.
Xem thêm :
- Trường Đại học Công Thương TP. HCM áp dụng Quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm xét tuyển môn Tiếng Anh
- Quyết định về việc chi tiền học bổng và các khoản hỗ trợ sinh viên năm học 2025-2026
- Kế hoạch tổ chức triển khai công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2025
- Biểu mẫu tuyển sinh đại học năm 2025
- Thông tin tuyển sinh Đại học năm 2025