Võ Phạm Phương Trang
Da là lớp mô ngoài cùng của cơ thể và là cơ quan lớn nhất trên cơ thể, do đó hình thức da bên ngoài luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ mọi người. Hiện nay, việc làm đẹp sử dụng nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên là xu hướng thống lĩnh thị trường mỹ phẩm luôn được yêu thích vì những thành phần an toàn, lành tính không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại mỹ phẩm có chứa thành phần chiết xuất nguồn gốc thiên nhiên từ các loại rau, củ, quả như: bí đao, ngải cứu, rau má, rau sam, … và còn nhiều loại vẫn chưa được nghiên cứu và ứng dụng triệt để.
Trước khi phối trộn gel dưỡng da, chúng tôi lựa chọn giống mướp đắng có thành phần phù hợp. Đối tượng trong nghiên cứu này là các giống mướp đắng được cung cấp bởi công ty Nông sản Nhất Quang bao gồm: giống tròn VT120 vietgap, giống tròn VT120 thường, giống rừng trồng ở nông trại Đà Lạt, giống dài VT120 vietgap. Theo kết quả phân tích tổng hàm lượng polyphenol, tổng hàm lượng flavonoid và khả năng kháng oxy hóa của các mẫu mướp đắng trên ba thành phần quả: thịt, hạt và ruột, mẫu 3 (giống rừng trồng ở nông trại Đà Lạt) được lựa chọn để thực hiện xay ép, phối trộn vào sản phẩm gel dưỡng da, giống mướp đắng rừng được trồng ở nông trại Đà Lạt.
Hình 1. Gel dưỡng da từ nước ép khổ qua
Nguyên liệu được rửa sạch, để khô rồi cho qua máy ép. Nước ép qua rây lọc kích thước 45 µm sau khi phân tích các chỉ tiêu polyphenol, flavonoid, DPPH được dùng làm nguyên liệu phối trộn tạo gel dưỡng da. Nhằm giảm chi phí xử lý bã, bã lọc được sấy, nghiền để làm nguyên liệu phối trộn làm xà bông matcha khổ qua. Kết quả nghiên cứu gel dưỡng da cho công thức phù hợp như sau:
- Pha A: Cho 0,8 g carbomer 940 vào 82,3 g nước, khuấy với tốc độ 1100 vòng/phút trong 30 phút cho đến khi tan hết. Điều chỉnh pH về 5,6 bằng TEA.
- Pha B: 0,15 g PG, 0,5 g glycerin, 1,0 g ethanol. Cho hỗn hợp B vào A, tiếp tục khuấy với tốc độ 1100 vòng/phút trong 30 phút.
- Pha C: 20 g nước ép khổ qua, 0,5 g kali sorbate, 0,5 g allantoin, 0,1 g EDTA, 0,5 g chất tạo màu, 0,5 g hương. Khuấy hỗn hợp C với tốc độ 400 vòng/phút cho đến khi hỗn hợp tan hoàn toàn. Cho từ từ pha C vào hỗn hợp trên cho đến khi gel đồng nhất. Sau đó, điều chỉnh pH của hỗn hợp về 5,6 bằng TEA hoặc citric acid.
Kết quả nghiên cứu cho thấy với công thức phối trộn trên, sản phẩm (Hình 1) có kết quả cảm quan trước và sau khi sử dụng tốt nhất. Bên cạnh đó, khi phân tích thành phần sản phẩm, những thành phần có lợi để dưỡng da như polyphenol, DPPH và flavonoid vẫn còn hiện diện, cụ thể, tổng hàm lượng polyphenol 395,3 ± 11,6 μg/g, tổng hàm lượng flavonoid 839,3 ± 53,6 μg/g, khả năng kháng oxi hóa với IC50 là 0.1004 g/mL.
[1] Phạm Minh Hữu Tiến. Mỹ phẩm toàn thư. Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. 2019
[2] GS.TS Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học. 2006
[3] N. H. Đăng, P. V. Trung, N. N. Hạnh. Khảo sát thành phần hóa học của trái khổ qua (Momordica charantia L.). Tạp chí khoa học. 2011; 19a; pp.43-59.
[4] T. T. Hoài, H. L. Phượng, V. T. Huyền, P. T. M. Huệ, N. T. Hạnh, L. T. N. Hà. Đặc điểm hóa lý của hạt và dầu mướp đắng trích ly bằng Ethyl Acetate. Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. 2021; tập 19; pp.764-772.
[5] N. N. Hạnh. Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất Charantia từ quả mướp đắng để làm thuốc. Viện Công nghệ hóa học - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. 2018.
[6] N. Đ. Khánh. Nghiên cứu chiết tách Momordicoside từ mướp đắng để sản xuất đồ uống tan nhanh. Luận văn thạc sĩ, trường Đại học Đà Nẵng, Đà Nẵng. 2011.
[7] K. S. Gayathry & J. A. John. A comprehensive review on bitter gourd (Momordica charantia L.) as a gold mine of functional bioactive components for therapeutic foods. Food Production, Processing and Nutrition, Vol.4, Article number 10. 2022.
[8] S. Suf and R. B. Ray. Bitter Melon (Momordica Charantia), a Nutraceutical Approach for Cancer Prevention and Therapy. Cancers. July 2020. 12(8).
[9] I. Biswas, S. Mandal, M. Samadder, S. Mukherjee. Drying characteristics of bitter gourd (Momordica charantia). Journal of Crop and Weed. 2018. Vol.14, pp.112-117.
[10] T. Indrawati, I. Hajard, D. Pratami. Skincare cream preparation and evaluation of pare (Momordica charantia) leaves using three different bases. Innovare Academic Sciences. 2020. Vol.12, Issue 6, pp.162-166.
Xem thêm :
- Thông tin tuyển sinh Đại học Liên kết quốc tế 2+2 năm 2025 Mới
- Kế hoạch tổ chức “Giải thưởng Công Thương - HUIT Awards 2025” nhằm tôn vinh những cán bộ, giảng viên, sinh viên xuất sắc
- Thông báo mở ngành đào tạo đại học chính quy ngành Du lịch
- Thông báo mở ngành đào tạo đại học chính quy ngành Luật
- Tham gia ngày hội Tư vấn Tuyển sinh, Hướng nghiệp - HUIT Openday 2025